Trận đánh quân La Mã chấm dứt huyền thoại vị vua Hung Nô

Google News

Vào thời điểm đế chế Tây La Mã suy yếu, đối mặt với bất ổn nội bộ, đại quân Hung Nô do vua Attila nổi tiếng bất khả chiến bại có một cuộc giao tranh mang ý nghĩa quyết định sự tồn vong của Tây Âu.

Đế chế La Mã phát triển cực thịnh vào thế kỷ thứ 2 với số dân lên tới 60 triệu người, tương đương 1/5 dân số thế giới lúc bấy giờ. Lãnh thổ La Mã kiểm soát rộng khắp ở châu Âu, châu Á và châu Phi.

Tran danh quan La Ma cham dut huyen thoai vi vua Hung No

Quân Hung Nô thời vua Atillia được coi là một thế lực đe dọa Tây Âu.

Năm 313, hoàng đế La Mã Constantine cải đạo sang Thiên Chúa giáo, dời đô sang thành Byzantium (sau này là Constantinople, Istanbul ngày nay). Đến cuối thế kỷ thứ 4, Đế chế La Mã chia tách thành Tây La Mã và Đông La Mã.

Trong khi phía đông phát triển rực rỡ thì phía tây ngày càng suy yếu vì nạn đói, thiên tai và sự nổi dậy của các bộ tộc ở châu Âu. Ngược lại, người Hung Nô vốn là dân du mục sống ở thảo nguyên châu Á, trở thành những chiến binh dũng mãnh trên lưng ngựa.

Dưới sự lãnh đạo của vua Attila, đế chế Hung Nô kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở Trung Á, Đông Âu. Quân Hung Nô đi tới đâu, thành trì đổ nát đến đó. Cỏ cây không mọc được, xác người chất đống. Vua Attila nổi tiếng bất bại trên chiến trường, nhiều lần công phá Đế chế Đông La Mã và hướng sự chú ý sang phía Tây Âu. Đế chế Đông La Mã kiểm soát vùng lãnh thổ chủ yếu thuộc phía đông Địa Trung Hải, Trung Đông và Bắc Phi. Kinh đô đặt ở Constantinople (ngày nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Nếu đại quân của Attila vượt qua tuyến phòng thủ La Mã ở xứ Gaul, toàn bộ Tây Âu đối mặt với hiểm họa.

Năm 451, đại quân của vua Hung Nô Attila vượt sông Rhine, cướp phá và thiêu rụi nhiều thành phố châu Âu như Rheims, Mainz, Strasbourg, Worms, và Triers.

Attila sau đó chia đại quân làm hai cánh, một cánh tiến về phía Tây Bắc chiếm giữ các thành phố ở xứ Gaul (Pháp ngày nay) còn cánh quân chính do Attila chỉ huy thì ngược dòng sông Moselle, tiến vào vùng lãnh thổ của các bộ lạc Visigoth dưới quyền vua Theodoric. Đại quân của Attila tiến đánh thành phố Orleans, dự định vượt sông Loire ở đó rồi tiến đến Rome.

Tướng Flavius Aetius, người có ảnh hưởng lớn nhất bấy giờ ở Tây La Mã, được giao trọng trách đối phó quân Hung Nô. Bằng đường lối đối ngoại khôn khéo, ông đã thành lập liên minh các bộ tộc ở châu Âu đển ghênh chiến Hung Nô. Tổng số lực lượng La Mã và đồng minh ước tính lên tới 80.000 người. Ngoài quân La Mã, quân Visogoth của vua Theodoric đóng vai trò là lực lượng chính.

Tran danh quan La Ma cham dut huyen thoai vi vua Hung No-Hinh-2

Trong sự nghiệp cầm quân, Attila hai lần tấn công Đông La Mã và hai lần khác nhằm vào Tây La Mã.

Trong khi đó, đội quân Hung Nô do vua Attila chỉ huy ước tính có quy mô từ 300.000 - 700.000 người, con số tương đối lớn vào thời điểm đó. Các sử gia phương Tây ước tính hơn 250.000 quân được Hung Nô huy động trong trận đánh lịch sử ở Chalons (nay là phía đông bắc nước Pháp).

Sức mạnh của cả hai đội quân đều nằm ở lực lượng kỵ binh. Lực lượng tinh nhuệ nhất trong hàng ngũ Hung Nô là những cung thủ cưỡi ngựa.

Nhưng kể từ khi tiến quân vào châu Âu, Attila đã có sự thay đổi về chiến thuật, một phần do thiếu đất chăn thả ngựa ở châu Âu khiến số lượng kỵ binh suy giảm. Lực lượng Hung Nô khi đó cũng có bộ binh đông đảo, bao gồm các binh lính trưng dụng từ các khu vực mới chiếm đóng.

Sáng ngày 20/6/451, theo tục lệ thông thường của người Hung Nô, Attila cử các nhà tiên tri làm công việc hiến tế, cạo và đọc dấu vết tạo ra từ những những mảnh xương bị đốt cháy để đoán trước những diễn biến xảy ra.

Lời tiên tri hôm đó được xem là không tốt. Theo đó, quân Hung Nô dù giết chết một chỉ huy đối phương nhưng chiến thắng cuối cùng khó đạt được (Ở thời đó, tài liệu về các nhân vật lịch sử thường xuất hiện thêm một số yếu tố thần bí như vậy). Tuy nhiên, Attila vẫn quyết định chiến đấu và chiều hôm đó trận Chalons nổ ra, theo trang Warfare History Network.

Chiến trường là một đồng bằng rộng lớn. Đội quân La Mã của tướng Aetius dàn trận ở cánh trái. Quân Visigoth của vua Theodoric dàn quân ở phía cánh phải. Quân Alan của vua Sangipan, đồng minh yếu nhất, thì được xếp ở giữa.

Tran danh quan La Ma cham dut huyen thoai vi vua Hung No-Hinh-3

Flavius Aetius, tướng La Mã chỉ huy trận đánh quyết định với quân Hung Nô.

Bên phía Hung Nô, Attila chỉ huy kỵ binh tinh nhuệ ở chính giữa còn những lực lượng đồng minh thì được bố trí ở hai cánh.

Theo trang Warfare History Network, Attila tỏ ra thận trọng khi lựa chọn thời điểm diễn ra trận đánh là vào buổi chiều. Bởi nếu mọi chuyện diễn ra không như kế hoạch, bóng tối sẽ khiến đối phương gặp khó khăn khi truy kích.

Chiến thuật của Attila được xem là khá đơn giản. Kỵ binh có nhiệm vụ đột phá trung tâm đội hình của quân đồng minh La Mã. Chiến thắng đến một cách dễ dàng nếu đối phương hoảng loạn và bỏ chạy.

Tướng La Mã Aetius lại chọn chiến thuật thận trọng hơn. Quân Alan của vua Sangipan được giao nhiệm vụ cầm cự ở khu vực trung tâm. Lực lượng La Mã và Visigoth sẽ đồng thời tiến lên ở hai bên cánh, nhằm khép vòng vây và chặn đường rút lui của Hung Nô.

Mở đầu giao tranh, quân La Mã của tướng Aetius nhắm tới ngọn đồi cao nhìn xuống sườn phải của quân Hung Nô để tạo ưu thế. Phía Hung Nô cũng cử lực lượng tới ngọn đồi nghênh chiến nhưng bị kỵ binh của hoàng tứ Thorismund xứ Visigoth đẩy lùi.

Tức giận với thất bại ban đầu, Attila chỉ về phía cánh quân trung tâm của đối phương và nói với các chiến binh: "Cuộc tấn công của người La Mã chỉ là chuyện nhỏ nhặt. Liên minh ô hợp này vốn ẩn chứa sự bất hòa. Hãy tấn công quân Alan, đánh bại quân Visigoth. Hãy giành chiến thắng chớp nhoáng bằng sự dũng cảm và cơn thịnh nộ của chính chúng ta".

Giao tranh nhanh chóng leo thang khi các đội quân của hai bên lao vào nhau. Sau vài giờ giao tranh, quân Hung Nô chiếm ưu thế trước quân Alan, nhưng chưa thể bẻ gãy ý chí chiến đấu của đối phương.

Tin rằng chiến thắng đang đến gần, Attila ra lệnh cho quân Hung Nô tập trung công kích cánh quân Visigoth ở phía bên trái. Bi kịch ập đến với lực lượng đồng minh khi vua Theodoric bị trúng một mũi lao, sau đó ngã xuống và bị giẫm đạp trong chiến loạn đến chết.

Người Visigoth tỏ ra bối rối khi vua tử vong còn quân Alan đồng minh ở trung tâm đang dần rút lui. Cái chết của vua Theodoric dường như đã ứng nghiệm lời tiên tri trước trận đánh.

Tran danh quan La Ma cham dut huyen thoai vi vua Hung No-Hinh-4

Attilia tự mình thống lĩnh quân đội trong trận Chalons.

Vào thời điểm quan trọng này, hoàng tử Thorismund lại xuất hiện, huy động đội kỵ binh hạng nặng từ trên đồi cao lao xuống chiến đấu, tiếp thêm sĩ khí cho quân Visigoth.

Màn đêm buông xuống, lực lượng của tướng Aetius đạt bước tiến ở bên cánh còn đội hình trung tâm của quân Hung Nô chịu áp lực từ nhiều hướng và bắt đầu rút lui.

Nhận thấy trận chiến có chiều hướng bất lợi, Attila không mạo hiểm kéo dài, ra lệnh cho quân ở trung tâm rút lui, cố thủ trong thành lũy doanh trại.

Đội quân cung nỏ của Hung Nô đẩy lùi được những đợt tấn công liên tiếp của quân Visigoth. Tướng La Mã Aetius không dám tiến đánh doanh trại Attila và cũng không bao vây vì lực lượng đã mệt mỏi. Hoàng tử Thorismund là người duy nhất dẫn quân đánh vào trại Hung Nô, nhưng cuối cùng chật vật tìm cách trở ra.

Theo trang Warfare History Network, quân Alan dù bị đánh giá thấp nhưng lại chiến đấu cực kỳ kiên cường và đóng vai trò quan trọng giúp cục diện đảo chiều. Đội quân này ước tính tổn thất tới 70% lực lượng. Quân Visigoth tổn thất 30%. Không rõ tổn thất đối với quân La Mã của tướng Aetius. Phía Hung Nô ước tính mất 40% lực lượng.

Sáng ngày hôm sau, đội quân của hai bên đứng quan sát khung cảnh chiến trường từ xa, với hàng chục ngàn thi thể nằm rải rác trên cánh đồng. Cả hai bên đều tỏ ý không muốn tiếp tục giao tranh. Sau cái chết của vua Theodoric được xác nhận, hoàng tử Thorismund trở thành vua xứ Visigoth.

Tran danh quan La Ma cham dut huyen thoai vi vua Hung No-Hinh-5

Khoảnh khắc vua Theodoric của xứ Visigoth tử vong trên chiến trường.

Tướng Aetius ban đầu đồng tình với lời kêu gọi bao vây doanh trại quân Hung Nô của Thorismund. Nhưng sau đó lại muốn bảo toàn lực lượng, kêu gọi Thorismund quay về để củng cố quyền lực khi ngai vàng đang bỏ trống.

Khi quân đồng minh La Mã rời chiến trường, Attila cũng ra lệnh lui quân, rút về khu vực sông Rhine. Đây là thất bại đầu tiên và cũng là duy nhất trong cuộc đời binh nghiệp của vua Hung Nô Attila.

Sang năm sau, Attila đem quân vượt dãy Alps, lần thứ hai tiến công Tây Âu. Các vùng ở đông bắc Italia lần lượt rơi vào tay Hung Nô.

Tưởng chừng như thành Rome có thể thất thủ, nhưng quân Hung Nô khi đó lại gặp rắc rối về hậu cần, bệnh dịch. Hoàng đế Đông La Mã, Marcian cũng mở một số cuộc tấn công quy mô nhỏ vào lãnh thổ Hung Nô nhằm giải vây cho Tây La Mã.

Một phái đoàn Tây Âu do Giáo hoàng Leo I dẫn đầu tới khu trại của Attila, ngỏ ý cầu hòa. Sau cuộc đàm phán, Attila đồng ý không công phá thành Rome và rút quân.

Theo trang Warfare History Network, lý do chính khiến Attila ngừng tiến công là nhận được cống nạp từ đế chế Tây La Mã và quân Hung Nô cần được nghỉ ngơi.

Sang năm sau, năm 453, Attila cưới một phụ nữ người German (tộc người góp phần thành lập nước Đức hiện đại ngày nay). Trong tiệc cưới, ông đã uống rất nhiều rượu và đột ngột qua đời trong đêm. Cái chết của Attila đẫn đến bất đồng trong nội bộ Hung Nô. Đến năm 460, đế chế Hung Nô suy yếu và tan rã.

* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại 
 
Theo Đăng Nguyễn/Người Đưa Tin